HẢI PHÒNG - TRUNG TÂM DỊCH VỤ LOGISTICS KHU VỰC - ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Hải Phòng đã và đang đưa ra những chính sách, giải pháp đột phá, nắm bắt những ý tưởng mới nhằm phát huy hơn nữa lợi thế, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tăng cường kết nối và tạo sự lan tỏa trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho ngành này hiện vẫn còn khiêm tốn, cần có chiến lược phát triển bền vững.

Chú thích ảnh

Nguồn nhân lực khiêm tốn

Theo PGS.Ts Nguyễn Minh Đức, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xét về tính hội nhập và độ mở cửa của nền kinh tế. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, ký kết và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do. Gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vốn đầy tiềm năng về thị trường và xuất khẩu. Công cuộc phát triển đất nước cũng đòi hỏi sự phát triển logistics để hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, có nhóm nhiệm vụ, giải pháp "đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực", theo đó, đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học và đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo logistics, kết nối các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, và hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics.

Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) dự báo, đến năm 2030, ngành logistics của Việt Nam bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200 nghìn nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. 

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghiệp Việt Nam (VIRAC), có từ 60 đến 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics gồm cả trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp. Báo cáo năm 2019 của tổ chức Australian Aid cũng chỉ ra rằng mặc dù các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho đào tạo nguồn nhân lực, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn; trong đó, 37,1% doanh nghiệp tập trung tự đào tạo, 29,9% doanh nghiệp cử nhân viên đào tạo ngắn hạn dưới 4 tuần, 3,1% doanh nghiệp cử nhân viên đi học thạc sỹ trong nước và chỉ có 1% cử nhân viên đi học nước ngoài.

Kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với nhu cầu của người sử dụng nhân lực từ cả các doanh nghiệp logistics và công ty sản xuất. Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021 - 2023 của Hội đồng Tư vấn Kỹ năng nghề logistics (LIRC) cho thấy, lực lượng nhân lực logistics trong nước chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu như kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistcs… Bên cạnh đó, người lao động trong lĩnh vực logistics trong nước cũng rất cần được đào tạo và nâng cao tính sáng tạo, khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề, khả năng lập kế hoạch cũng như tư duy tích cực trong công việc.

Ông Đan Đức Hiệp, Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho rằng, trình độ ứng dụng công nghệ kết nối với mạng logistics toàn cầu còn kém nên thường xuyên thiếu thông tin, phải giải quyết công việc thông qua các đại lý. Chất lượng nguồn nhân lực logistics chưa cao, tỉ lệ nhân viên qua đào tạo (chủ yếu là tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm) mới đạt khoảng 70%, trang thiết bị, phương tiện vận tải, kho bãi chỉ tại mức 30%÷40% còn lại phải thuê ngoài để phục vụ khách hàng. Nguyên nhân của thực trạng trên, là chưa có chiến lược, quy hoach phát triển logistics chung cũng như tại khu vực Hải Phòng...

Đòn bẩy chiến lược

Chú thích ảnh

Ông Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, Hải Phòng hiện có khoảng 175.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, vẫn thiếu cả về chất lượng và số lượng chỉ đáp ứng khoảng 40 - 45% nhu cầu của ngành. Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình 20÷25% mỗi năm của ngành dịch vụ logistics, sẽ là cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng. 

Nhu cầu về nhân lực rất lớn như vậy, nhưng quy mô về đào tạo nhân lực logistics lại còn quá thấp. Trên toàn quốc, hiện có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành logistics với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 khoảng 3.000 sinh viên. Ngoài ra, có 32 trường cao đẳng đang triển khai các chương trình đào tạo logistics và gần với logistics với quy mô hàng năm từ 800 đến 1.000 người học. 

Tại Hải Phòng, chỉ có duy nhất Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên một năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như kinh tế vận tải biển, kinh tế vận tải thủy, kinh tế Ngoại thương... Ngoài các trường đại học, cao đẳng, người học cũng có thể được đào tạo qua các chương trình ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ. Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam là một cơ sở như thế của nhà trường, với khả năng cung cấp những khoá học mang tính thực tiễn cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng nhân lực, thậm chí thiết kế riêng chương trình đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu đặc thù của mỗi doanh nghiệp. 

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, nêu rõ: "Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển". Đây là vinh dự, là động lực lớn để nhà trường tiếp tục xây dựng và phát triển lên một tầm cao mới. 

Đối với đào tạo ngành logistics, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đề xuất các bên gồm doanh nghiệp - nhà trường - cơ quan quản lý Nhà nước cùng thống nhất việc tối ưu nguồn lực và hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo chứng chỉ nghề, chương trình tham quan, kiến tập, thực tập, tập sự nghề nghiệp, tuyển dụng, cuộc thi học thuật, chương trình hướng nghiệp - phát triển kỹ năng, hợp tác đào tạo, học phần nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, hợp đồng tư vấn chuyển giao, thành lập Quỹ "Học bổng", chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia nước ngoài.

"Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đầu tiên phải làm là thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào cho ngành logistics là những học viên có năng lực, điểm số đầu vào cao. Cùng đó, các trường Đại học cần thay đổi về phương thức, nội dung, chương trình đào tạo; cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có.", Hiệu trưởng Phạm Xuân Dương nhấn mạnh. 

Bên cạnh đào tạo cử nhân, các cơ sở cũng cần tập trung đào tạo các chương trình ngắn hạn, chuyên sâu để đầu tư, phát triển năng lực và chuẩn hóa về chất lượng đào tạo. Các doanh nghiệp trong ngành logistics nên có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ. Việc học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục.

TIN TỨC LIÊN QUAN

UKVFTA MỞ ĐƯỜNG CHO XUẤT KHẨU CÁ NGỪ VIỆT NAM SANG ANH

Cá ngừ Việt Nam đang được hưởng nhiều lợi thế tại thị trường Anh nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA).

Tắc nghẽn cảng biển tại châu Á có thể kéo dài hết tháng 8 năm nay

Các hãng truyền thông quốc tế đưa tin, tình trạng tắc nghẽn tàu container tại Singapore - một trong những cảng biển bận rộn nhất châu Á đang ở mức tồi tệ nhất kể từ đại dịch và hiện đã lan sang các cảng lân cận như các cảng của Malaysia. Điều này rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Bốn nút thắt làm "nghẽn" dòng chảy hàng hoá tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

Tại tọa đàm “Hải quan và doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải” ngày 31/7, các chuyên gia đã chỉ ra 4 nút thắt gây cản trở cho hoạt động hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

TIN TỨC LIÊN QUAN

Cùng Glotrans đón Trung thu đoàn viên - Tình cảm gắn kết

Mùa trăng rằm lại về, mang theo bao niềm vui và những khoảnh khắc đoàn viên ấm áp. Tại Glotrans, không khí Tết Trung thu luôn tràn đầy ý nghĩa.

Glotrans tham gia hội thảo về công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng công nghệ mới.

Ngày 28/08/2024, đại diện Glotrans đã tham gia hội thảo "Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi" do Sở Công Thương TP. HCM chủ trì. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối và phát triển thị trường công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Glotrans xin gửi đến các Quý Khách Hàng, Quý Đối Tác lịch nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9

Glotrans xin gửi đến các Quý Khách Hàng, Quý Đối Tác lịch nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 như sau: Thời gian nghỉ từ thứ bảy, ngày 31/08/2024 đến hết thứ ba, ngày 03/09/2024. Thời gian quay trở lại làm việc: thứ tư, ngày 04/09/2024.