Tăng cường hơn nữa các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ba Lan

Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM cho biết, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Ba Lan xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với tổng trị giá đạt trên 375 triệu USD, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM 

Các mặt hàng Ba Lan xuất khẩu nhiều sang Việt Nam gồm: máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 70 triệu USD; kim loại 58 triệu USD; dược phẩm 49 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa 21 triệu USD; hóa mỹ phẩm 6,7 triệu USD; và các sản phẩm thủy sản; cao su; chế phẩm thực phẩm; nguyên phụ liệu dệt may da giày; v.v…

Ở chiều ngược lại, Ba Lan nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với tổng trị giá đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng Ba Lan nhập khẩu nhiều từ Việt Nam gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,1 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 254 triệu USD; hàng dệt may 105 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép 71 triệu USD; hàng giày dép 64 triệu USD; hàng thủy sản 48 triệu USD; sản phẩm nhựa 44 triệu USD; và các sản phẩm gỗ; sản phẩm cao su; bánh kẹo; cà phê; hạt tiêu; gạo; chè; v.v…

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, trừ các mặt hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ sắt thép, thủy sản đều được XNK giữa hai bên; các mặt hàng còn lại đều có tính chất bổ trợ lẫn nhau trong thương mại Ba Lan - Việt Nam. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng XNK giữa hai nước gần đây có xu hướng giảm dần; trong khi đó tiềm năng, các cơ hội kinh doanh còn rất lớn.

“Do vậy, rất cần Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức xúc tiến và cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Ba Lan tăng cường nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến, giao thương, kết nối kinh doanh để đẩy mạnh quan hệ thương mại Ba Lan - Việt Nam”, Phó Giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh.

Riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nam cho rằng, tuy Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: hàng thủy sản (cá tra, cá basa, tôm, …); nông sản (cà phê, hạt tiêu, gạo, chè, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo,…).

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp 2 nước tham dự.

Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU.

“Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc”, ông Nam chia sẻ.

Về quan hệ đầu tư, theo ông Nguyễn Hữu Nam, lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/01/2023, Ba Lan đã đầu tư vào Việt Nam với 29 dự án, tổng vốn đăng ký trên 422 triệu USD, xếp thứ 36 trên 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin truyền thông, và tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía bắc Việt Nam (Hà Nội, Quảng Ninh, …).

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 2/2022, Việt Nam đã đầu tư vào Ba Lan với 4 dự án, tổng vốn đăng ký gần 5 triệu USD. Ba Lan là thị trường đầu tư xếp thứ 44 trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Ba Lan thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư của  Vinamilk với trị giá 3 triệu USD thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng kinh doanh vật tư nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nam, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) đã được ký kết ngày 30/6/2019, trong đó EVFTA đã được hai bên phê chuẩn, có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. EVFTA đã có hiệu quả rõ rệt ngay sau 1 năm thực thi: năm 2021 xuất khẩu của Việt Nam tăng 18,9%; nhập khẩu của Việt Nam tăng 26,7%. Ấn tượng hơn, xuất khẩu của Ba Lan năm 2021 sang Việt Nam tăng 49,8%; nhập khẩu của Ba Lan từ Việt Nam tăng 16%.

“Đối với EVIPA, nghị viện châu Âu và quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn, chỉ còn phải chờ tất cả nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực. Đây là chìa khóa để thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển quan hệ đầu tư giữa hai bên theo đúng tiềm năng. Do vậy, phía Việt Nam mong muốn Ba Lan tiếp tục ủng hộ để nghị viện tất cả các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), cũng như ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có tác động tích cực giúp nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới”, Phó Giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ thêm.

Ông LECH KOŁAKOWSKI – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Ba Lan phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại chương trình, ông LECH KOŁAKOWSKI – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Ba Lan cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu thực phẩm và nông phẩm của Ba Lan sang thị trường Việt Nam đạt 154 triệu Euro. Bộ NN & PTNT Ba Lan cũng như các doanh nghiệp Ba Lan coi thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng và quan trọng.

Ông cho biết, ông đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến liên quan đến việc mở rộng thị trường Việt Nam đối với các sản phẩn của Ba Lan như thịt bò, thịt Ngỗng…Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều loại thực phẩm đến từ Ba Lan có mặt trên bàn ăn của người dân Việt Nam, cũng như có mặt trên các kệ hàng trong các siêu thị, cửa hàng tại Việt Nam.

Theo ông LECH KOŁAKOWSKIBa Lan là nhà sản xuất thực phẩm quan trọng của Liên minh châu Âu. Ba Lan cũng là quốc gia sản suất lớn của thế giới về thịt gà, thịt heo, các loại rau củ quả, sữa bò và các sản phẩm bánh kẹo…Ngoài ra, Ba Lan cũng là nhà sản xuất dẫn đầu Liên minh châu Âu về sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Các sản phẩm nông phẩm và thực phẩm của Ba Lan được xuất khẩu sang trên 200 thị trường trên thế giới.

“Các sản phẩm nông phẩm, thực phẩm của Ba Lan đều rất an toàn và đáp ứng tất cả các yêu cầu của Liên minh châu Âu. Những sản phẩm của Ba Lan và Việt Nam không cạnh tranh với nhau. Bởi những sản phẩm Việt Nam sản xuất thì Ba Lan đang thiếu và ngược lại. Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm phân phối thực phẩm Ba Lan đến với tất cả các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Ba Lan cũng sẽ luôn ủng hộ những đề xuất về việc xuất nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Liên minh châu Âu”, ông LECH KOŁAKOWSKI khẳng định.

TIN TỨC LIÊN QUAN

OOCL: Sản lượng container giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022

Orient Overseas (International) Limited, công ty mẹ của hãng tàu OOCL đã công bố kết quả kinh doanh cả năm cho năm 2022, với doanh thu đạt được 19,82 tỷ USD và lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) đạt 10,089 tỷ USD.

Cụm ngành kinh tế và liên kết trong logistics

Thực ra, lâu nay Việt Nam đã quan tâm đến quy hoạch vùng, không chỉ các tỉnh, mà cả cấp huyện đều có quy hoạch khu công nghiệp... Tuy nhiên, năng lực thực hiện cụm kinh tế ngành chỉ dừng lại trên ý tưởng, quy hoạch, không thành công trên thực tế.

Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm trong 2 tháng đầu năm. Bộ Công Thương đang tích cực đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

TIN TỨC LIÊN QUAN

CHÚC MỪNG SINH NHẬT CÁC CBNV CÓ NGÀY SINH VÀO THÁNG 3/2023

Tiếp nối các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, trong tháng 3 này, Glotrans đã tổ chức mừng sinh nhật các CBNV của các văn phòng Glotrans trên toàn hệ thống.

GLOTRANS ĐÀ NẴNG THAM DỰ BUỔI GẶP MẶT HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP VÀ HỘI VIÊN VCCI KHU VỰC MIỀN TRUNG -TÂY NGUYÊN

Trong chiều ngày 21/03/2023 vừa qua, Đại diện Glotrans Đà Nẵng – Phó Giám Đốc Nguyễn Thị Mỹ Hiền và Đại diện Glotrans Quy Nhơn – Phó Giám Đốc Võ Văn Phúc Quý đã tham dự buổi gặp mặt các hội viên của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Glotrans Việt Nam - Thành viên của World Cargo Alliance

Mang trong mình khát vọng vươn tầm quốc tế, Glotrans không ngừng tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác trên toàn cầu bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, không thể không kể tới việc tham gia các tổ chức hàng đầu thế giới về vận chuyển, đặc biệt là việc trở thành hội viên WCA