Trong 8 tháng, Việt Nam thu về gần 4.000 tỷ đồng từ hoạt động xuất khẩu chè
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu về gần 4.000 tỷ đồng từ xuất khẩu chè, vượt xa thành tích của cả năm trước đó.
Là một nước không giáp biển, Lào chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, khoáng sản và điện thông qua các cửa khẩu ra cảng biển ở các nước Đông Nam Á. Với lợi thế cửa ngõ ra biển của vùng Nam Lào, cảng Chu Lai (Quảng Nam) đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ, nâng cấp chuỗi dịch vụ, để đẩy mạnh khai thác nguồn hàng xuất khẩu từ đất nước “triệu voi” này.
Triển vọng khai thác nguồn hàng xuất khẩu từ thị trường Lào
Theo Bộ Công Thương Lào, năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Lào vẫn ghi nhận những kết quả khả quan trong thương mại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2021. Đặc biệt các mặt hàng như: điện, vàng, giấy và sản phẩm từ giấy, quặng đồng, cao su, sắn lát, chuối… đều đặn được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hiện nay, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Lào ngày càng tăng cao, mở ra cơ hội để các cảng ở miền Trung Việt Nam, trong đó có cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã thu hút nguồn “chân hàng”, thúc đẩy giao thương khu vực và quốc tế.
Cảng Chu Lai hiện đang khai thác nguồn hàng xuất khẩu từ các vùng Savanakhet, Sepon, Attapeu, Pakse, Sekong với các sản phẩm có dư địa phát triển như nguyên liệu giấy, tinh bột sắn, trái cây tươi và đặc biệt là sắn lát. Ngày 10/4, chuyến tàu Trường Hải Star 3 mang 1.700 tấn sắn lát của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VBS (Doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm sản nguyên liệu, khai thác hàng nông sản xuất khẩu từ Lào) đã rời cảng Chu Lai. Đây là lô hàng sắn lát được vận chuyển trực tiếp từ Sekong, Lào đến cảng Chu Lai và xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, doanh nghiệp này đang lưu trữ hơn 1.000 tấn sắn lát tại cảng và sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Nghiêm Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VBS cho biết: “Sắn lát là hàng rời có phương thức vận chuyển, bảo quản, xếp dỡ đặc thù, chi phí cao, mất nhiều thời gian. Do đó việc lựa chọn đối tác để xuất khẩu được chúng tôi cân nhắc kỹ. Sau khi nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi nhận thấy cảng Chu Lai đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng dịch vụ, thời gian, chi phí; đặc biệt là kho, bãi rộng có thể lưu trữ hàng hóa với số lượng lớn; các thủ tục tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản, thủ tục hải quan, xuất hàng… đều nhanh chóng, phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu của công ty”.
Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh đầu tư
Cảng Chu Lai hiện đang khai thác các tuyến vận tải đường biển nội địa TP.HCM - Chu Lai - Hải Phòng và ngược lại; cùng các tuyến hàng hải quốc tế kết nối trực tiếp đến các cảng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là lợi thế để cảng tăng cường kết nối cung - cầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Campuchia (nơi có nhu cầu lớn về xuất khẩu nông sản, nhập khẩu vật tư, vật liệu sản xuất); kết nối nguồn hàng xuất khẩu sang các thị trường nội Á và quốc tế, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian, mang lại lợi ích kép cho khách hàng.
Hiện nay, cảng Chu Lai đặt mục tiêu tăng dần sản lượng hàng hóa qua cảng; nâng cao năng suất xếp dỡ; giảm đến 50% thời gian giải phóng tàu; giảm chi phí dịch vụ xuất nhập khẩu như: nâng hạ, xếp dỡ, lưu trữ… thấp hơn từ 5 - 40% so với mặt bằng chi phí trong khu vực. Theo ông Phan Văn Kỳ - Giám đốc cảng Chu Lai, cảng đang thu hút thêm nguồn hàng container, đa dạng hóa tuyến dịch vụ container khai thác tại cảng, phát triển các tuyến hải trình kết nối trực tiếp từ cảng Chu Lai đến các cảng quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời các nhu cầu, xu hướng sử dụng dịch vụ của khách hàng. Đặc biệt, cảng cũng áp dụng linh hoạt các chính sách kinh doanh và hậu mãi phù hợp với từng nhu cầu riêng biệt, xây dựng các mô hình dịch vụ cảng biển trọn gói nhằm tạo sự thuận tiện và tiết kiệm cho khách hàng.
Thời gian tới, cảng Chu Lai sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành bến cảng 5 vạn tấn để nâng cao năng lực cầu bến. Ngoài ra, cảng sẽ xây dựng, mở rộng hệ thống kho bãi để tiếp nhận lưu trữ một số mặt hàng chiến lược có nhiều dư địa phát triển từ Lào, Campuchia và miền Trung, Tây Nguyên như: sắn lát, tinh bột sắn, giấy và các sản phẩm từ giấy, viên nén, dăm gỗ, trái cây, cao su… Cảng cũng tiếp tục đầu tư hệ thống cẩu giàn, cẩu khung hiện đại hoạt động bằng điện thay vì dùng dầu diesel nhằm giảm giá dịch vụ và phát triển cảng theo hướng thân thiện với môi trường. Việc tận dụng lợi thế, đẩy mạnh đầu tư khai thác nguồn hàng xuất khẩu của các nước lân cận, trong đó chủ lực là từ Lào sẽ góp phần tạo tiền đề để cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế tại miền Trung, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực.